Khoa Giáo dục

Trường Đại học Sài Gòn

1. Sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của Khoa đến năm 2035

Căn cứ trên sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của Trường Đại học Sài Gòn đến năm 2035, Khoa Giáo dục có sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu như sau:

1.1. Sứ mạng

Khoa Giáo dục là thành viên của Trường Đại học Sài Gòn, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực giáo dục và tâm lí, góp phần thực hiện sứ mạng của Trường Đại học Sài Gòn trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

1.2. Tầm nhìn

Khoa Giáo dục phấn đấu đến năm 2035 trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và khu vực; trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao các sản phẩm giáo dục và tâm lí phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, các lĩnh vực giáo dục và hoạt động xã hội.

1.3. Mục tiêu

- Mục tiêu chung: Nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của Khoa bảo đảm đủ điều kiện hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu chung của Trường Đại học Sài Gòn.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Đến năm 2020, các chương trình đào tạo của Khoa đạt chuẩn kiểm định chất lượng Quốc gia.

+ Từ năm 2021 đến năm 2025, Khoa Giáo dục phấn đấu phát triển các chương trình đào tạo của Khoa đạt chuẩn kiểm định chất lượng của mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (AUN-QA).

+ Từ năm 2026 đến năm 2035, Khoa Giáo dục phấn đấu phát triển các chương trình đào tạo của Khoa đạt chuẩn quốc tế.

2.Triết lí giáo dục của Khoa Giáo dục

Triết lí giáo dục của Khoa Giáo dục được xây dựng dựa trên triết lí giáo dục của Trường Đại học Sài Gòn.

2.1. Phát biểu triết lí giáo dục

“Rèn đức, luyện tài, hội nhập, hợp tác và phát triển”

2.2. Ý nghĩa của triết lí giáo dục

Triết lí giáo dục của Khoa Giáo dục là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong các hoạt động của Khoa nhằm thực hiện tốt sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của Khoa Giáo dục; góp phần thực hiện sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của Trường Đại học Sài Gòn. Triết lí giáo dục của Khoa sẽ thâm nhập trong mọi mặt của chương trình đào tạo (mục tiêu; nội dung; phương pháp; hình thức tổ chức dạy học; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập), các hoạt động của người dạy và người học trong Khoa.

2.3. Nội dung của triết lí giáo dục

a) Rèn đức và luyện tài

- Trong giáo dục và đào tạo sinh viên, học viên của Khoa: dựa trên triết lí giáo dục của Trường Đại học Sài Gòn về “rèn đức, luyện tài”, Khoa Giáo dục chú trọng đào tạo người học phát triển toàn diện về đức và tài, phẩm chất và năng lực; trong đó, lấy đức làm gốc.

Về đạo đức, vừa chú trọng giáo dục đạo đức làm người, cách đối nhân xử thế trong các mối quan hệ, phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội; vừa chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ con người gắn liền với nghề nghiệp mà người học được đào tạo và bồi dưỡng tại Khoa.

Về năng lực, tạo điều kiện cho người học hình thành và phát triển kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp theo tiếp cận phát triển năng lực nghề nghiệp được thể hiện trong chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo tại Khoa. Trong đó, tạo điều kiện cho sinh viên “học để làm”, được thực hành, luyện tập phát triển năng lực nghề nghiệp trong các môn học/ học phần trên lớp; các hoạt động ngoại khóa ngoài lớp; thực tế, thực tập chuyên môn và các hoạt động xã hội khác.

- Trong phấn đấu rèn luyện của các thành viên tập thể Khoa: Rèn đức và luyện tài cũng là kim chỉ nam định hướng cho sự phấn đấu của từng thành viên của Khoa Giáo dục, từ cán bộ quản lí khoa đến từng giảng viên và chuyên viên của Khoa, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

b) Hội nhập và hợp tác

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới về khoa học và công nghệ, kinh tế và xã hội, xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu. Triết lí “hội nhập và hợp tác” của Khoa Giáo dục thể hiện trong 2 nội dung cụ thể:

- Trong giáo dục và đào tạo sinh viên, học viên của Khoa: dạy sinh viên học để hội nhập và hợp tác, “học để cùng chung sống”, bao gồm: 1/ Tạo điều kiện cho người học tiếp nhận kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp hiện đại, phấn đấu từng bước cập nhật theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế; để sau khi tốt nghiệp, người học có thể thích nghi, theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế; 2/ Giáo dục thái độ tôn trọng những sự khác biệt về văn hóa, chính trị, tôn giáo, bản sắc riêng… của các dân tộc, vùng miền, tổ chức, cá nhân… để có thể thích ứng và hợp tác hiệu quả trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng.

- Trong phấn đấu rèn luyện của các thành viên tập thể Khoa: Hội nhập và hợp tác là kim chỉ nam định hướng cho sự phấn đấu và hành động của từng thành viên của Khoa Giáo dục, một tập thể có sự khác biệt về trình độ, chuyên môn, tuổi tác, vùng miền, tôn giáo, đặc điểm riêng.

c) Phát triển

Mọi hoạt động của các thành viên Khoa Giáo dục hướng đến đảm bảo sự phát triển bền vững:

- Đảm bảo sự phát triển về tri thức, giá trị, năng lực của từng sinh viên và học viên; từ đó, góp phần xây dựng và phát triển xã hội.

- Đảm bảo sự phát triển của từng cán bộ, giảng viên, chuyên viên trong tập thể sư phạm; từ đó, phát triển Khoa Giáo dục, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Trường Đại học Sài Gòn.

Tìm kiếm


 Tìm